Tân Hiệp Thơ 3

Bìa Tân Hiệp - Thơ 3 - Thiết kế bởi Họa sĩ Thiên Đồng

Năm 2007, tôi có hân hạnh được viết đôi dòng (thực ra là đôi trang) giới thiệu tập thơ của nhiều tác giả mang tên TÂN HIỆP – THƠ 2. Qua đó, người chăm sóc làng thơ này, anh Lương Túy Vân, cũng đã tặng tôi tập thơ có cùng tên như vậy xuất bản một năm trước đó. Năm nay, tôi lại có trên tay bản thảo tập TÂN HIỆP – THO 3, và tôi không ngạc nhiên thấy làng thơ này đã quy tụ thêm nhiều tác giả cùng với chất lượng thơ cũng cao hơn.

Với tư cách “đồng nghiệp”, tôi lấy làm mừng. Rằng thực đã có những mùa thơ Tân Hiệp.

Ai đó nói thơ là tiếng gọi đàn quả không sai. Để tôi hình dung những tác giả như những cánh bay đâu đó trên bầu trời cả nước bỗng một hôm cùng về làm rợp một miền đất dưới sự hội ngộ đan kết của mình như một đám mây lành, miền đất ấy từ đó nẩy nở những ân tình tưởng lạ mà quen thân, tưởng mới mà gần gũi, hệt như một sự xum vầy, một hiệp nhất mới song đã có hẹn hò từ trước, trong cội nguồn sáng tạo thơ ca. Phải chăng, chỉ đến lúc đó, miền đất ấy dường như mới thực sự sống đủ tên mình:Tân Hiệp.

Tôi có đôi lần ngẫu hứng đón xe đò về Tân Hiệp viếng chùa, thăm bạn.(Những ngôi chùa sẩy bước trong tiền kiếp, kiếp này tìm thấy lại nhưng cơ duyên tản ra theo bước chân lưu lạc chưa tụ lại đủ nên không được vào ở hẳn, thành thử hễ có dịp là viếng).Trên căn gác lá ọp ẹp như một căn nhà tiền sử sực mùi gỗ ẩm cùng đủ thứ hương lạ xông lên từ đất đai bốn bề vào giữa đêm khuya, Lương Túy Vân trong cơn say nhẹ đã thắp đèn cầy mờ ảo, hất chân vào người tôi, đem thơ ra cho tôi đọc. Kỷ niệm tưởng chỉ giữ riêng và khuất chìm theo năm tháng, nhưng hôm nay tôi kinh ngạc bắt gặp những dòng này của Lê Giao Văn:

Nửa đêm đọc thơ bạn

Tưởng hương lạ đến nhà

Sức nhiệm mầu thi ca

Dành cho nhau choáng váng

Không biết cuộc phù sinh

Đẩy mấy dặm phù trình

Thơ bao nhiêu khổ hạnh

Cứu rỗi đêm trở mình.

Đêm ấy bạn thơ Lê Giao Văn ở đâu, làm sao biết. Nhưng tự nhiên tôi tin rằng, chính cũng vào đêm đó, trong một cơn lân mẫn rộng lớn vô hình, anh đã viết nên những câu thơ này như chỉ để dành cho bọn tôi. Trên mấy dặm phù trình trôi nổi của đời tôi, tôi đã có một đêm dừng chân và định tâm ở Tân Hiệp nghe thơ khổ hạnh như kinh kệ của Lương Túy Vân để được “cứu rỗi đêm trở mình”. Y vậy!

Ngoài Lê Giao Văn, tôi biết còn nhiều, nhiều những thi sĩ khác sống ẩn mình đâu đó quanh đây, vừa vắng bóng vừa có mặt như những con rồng ẩn vì luôn mang trong lòng mình những mối đồng vọng khôn hàn nguy nga như vậy, hệt một cảm khái của Hồ Ngạc Ngữ:

Thi sĩ cố cùng như rồng ẩn

Chọn đất miền Nam làm quê chung.

Thì thế, những thi sĩ du mục đến đây có cái cốt cách vừa là người vừa là… rồng vì cái dáng cong lận đận vẫn đeo đẳng bên mình, ngay trong con người mình, từ lúc rời khỏi quê nhà ra đi. Và giữa đất trời phương Nam rộng lòng độ lượng, có lúc cái dáng cong ấy được dịp uốn lượn nhẹ thênh trên bầu trời mộng tưởng (như rồng), dù cũng nhiều lúc gãy gập nhọc nhằn dưới mặt đất hiện sinh(như người). Như qua cái nhìn phóng chiếu của Hải Thụy:

Đời tôi bãi lớn gió không

Mỏi lòng con sóng vỗ cong dáng người.

Trên cái “bãi lớn gió không” của cõi người này, lắm lúc người ta phải cúi xuống cặm cụi đào xới để kiếm sống hơn là ngẩng mặt dang tay để mong dịp bay lên. Không ai bay lên được. Nhưng không lẽ chỉ suốt đời đào xới? Với cuốc, thuổng, nhà nông chỉ là nhà nông, nhưng đối với thi sĩ, đó là cái có thể dùng để đào xới được vào nguồn mạch thơ ca hòng phún xuất tâm hồn bay lên. Đất là mẹ đẻ của mùa màng, song đất còn là bạn của thi nhân, cả hai cùng hiệp nhất (và ở Tân Hiệp là cuộc hiệp nhất mới, ngày nào, lúc nào cũng hiệp nhất) trong việc dò tìm màu xanh của chân lý vĩnh cửu hay là chân lý của vĩnh cửu màu xanh:

Xanh xanh đồi núi xanh trời lá

Ngọn cỏ cũng rì nụ búp xanh

Sợi thắm tằm tơ duyên tình, lạ!

Em về để nhớ gặm trong anh.

Trong con mắt của Lương Túy Vân, màu xanh ấy đan kết bện xoắn như một thứ tơ duyên bền chặt giữa thiên nhiên – bà mẹ đất với con người chứ không chỉ còn là loại tơ tằm cụ thể dùng để may áo quần mau hư, dễ rách. Đứng trên đất Tân Hiệp trong một buổi trưa vàng, tôi có thấy một chú bò gặm cỏ xa xa. Nhận thấy chú gặm sao mà ngon lành, và mơ màng nghĩ nếu chú gặm cho hết các triền cỏ xanh kia hẳn rồi chú cũng hóa thành… vĩnh cửu! Nghĩ vậy để mà phần nào hình dung được sức chứa bao la trong câu thơ  Em về để nhớ gặm trong anh bình dị mà độc đáo của Vân.

Với thơ của các tác giả khác trong tập này, hầu như dựa vào bất cứ đoạn thơ, câu thơ nào, trí tưởng tôi cũng có thể tha hồ chắp cánh được. Những bài thơ tạo sức gió, không phải thứ gió trời thông thênh hời hợt nơi nào cũng có mà là một thứ gió thời gian quánh đặc, xóa nhòa không gian, dồn về một cõi, giúp tôi bay theo chiều thẳng đứng. Bay mà không rời. Đi mà vẫn ở. Mỗi bài thơ dường như đều có một phần tâm tưởng của tôi, thậm chí một hoàn cảnh, một phần đời đã qua. Nó cũng mở ra những khoảng trời dự phóng của những gì tôi sẽ nghĩ, sẽ cảm, sẽ sống mà những thơ này đã và đang nói tới. Như vậy, có thể tôi là kẻ đến sau, nhưng là kẻ đến sau cực kỳ may mắn vì được hội ngộ ngay bây giờ, đang lúc đọc thế này, giữa trùng vây thơ Tân Hiệp. Và ngậm ngùi nhớ lại có những thoáng đứng chôn chân giữa Sài Gòn mà nhớ về những bạn thơ ở rẩy nương, thì thấy, như Trần Quang Châu đã thấy trước:

Giật mình đứng giữa hoang vu

Chốn phồn hoa ấy rất mù mịt sương

Thấy xa, xa hút cội nguồn

Hai bàn chân rổ vết thương hội hè

Quả thật, chốn nương rẩy mù sương mà sáng láng, mà thơ, còn chốn phồn hoa sao lại lắm mù sương để những người với hai bàn chân tội nghiệp lỗ chỗ những vết thương hội hè như tôi còn tiếp tuc bước mỏi không định hướng trong đó.

Tôi nhớ nơi miếng đất Lương Túy Vân ở có một con suối nhỏ hoang dã từ tốn chảy qua , không biết tên gì. Một lần xuống mà Vân đi vắng, trong lúc chờ bạn, tôi dạo bước ra đó ngắm suối. Rồi không hiểu vì sao, bất chợt tôi lại nhớ đến anh chàng Narcissus của Hermann Hess, người chỉ thích ngắm chân dung mình qua suối. Lại nghĩ, đã có một thời mỗi thi sĩ đều như một Narcissus chỉ thấy có mình, không thấy người khác. Nhưng bây giờ, ở mảnh đất nhỏ phương Nam này, hầu như các thi sĩ đều đã “cất” đi cái tôi riêng của mình. Nghe Vân nói, họ muốn chung tay cải tạo con suối đó, biến nó thành một sinh cảnh đẹp, thơ mông nằm trong tổng quan chung của mảnh đất Tân Hiệp. Ồ, nếu vậy, các thi nhân ngày nay tuy có “cất” mình đi mà không đánh mất mình, họ tìm thấy họ, cũng qua dòng suối, là những Narcissus khác, bi mộng hơn mà cũng mở lớn hơn. Thời của Narcissus đã qua, hay nói đúng hơn, Narcissus không bao giờ có thời của mình- kẻ ích kỷ không bao giờ có thời của hắn – chỉ có những con người biết vượt qua điêu linh để làm thơ và biết làm thơ để từ chối điêu linh, họ mới có thời của họ, và trong cách thế đó, họ đã tìm ra, hay nói đúng hơn, đã tạo ra chân dung của mình. Những chân dung hài hòa bên nhau chứ không phủ nhận nhau, như Narcissus đã phủ nhận. Dòng suối của Narcissus chỉ soi tỏ được chàng mà không soi tỏ được thời đại, thời thế; dòng suối nhỏ Tân Hiệp này phản ảnh được cả một hoàn cảnh chung của một lớp thi nhân bôn ba kiếm sống từ khắp ba miền, và trong lúc nhọc nhắn tự cứu mình họ cũng đã bao dung làm một cuộc cứu chuộc cho cả một tấn thảm kịch chung sau chiến tranh dù đã trải qua hơn 30 năm. Thực là một cuộc xum vầy, hiệp nhất mới mãnh liệt.

Từ đó, Tân Hiệp, trong trí tưởng của tôi, là một bức tranh tĩnh lặng trong đời thực đầy ám ảnh và quyến rũ như cách mô tả của bạn thơ Kiều Trung Phương.

Tôi mong sao sớm có ngày được gặp đủ những bạn thơ quen và chưa quen tại đó.

Sài Gòn, 9.2008

ĐOÀN VỊ THƯỢNG

NHÀ XUẤT BẢM VĂN NGHỆ

197 LÝ CHÍNH THẮNG QUẬN 3 TP. HỒ CHÍ MINH

Chịu trách nhiệm xuất bản

NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Biên tập

VI HY

Bìa

THIÊN ĐỒNG

Trình Bày

VÕ CÔNG NHẬT HUY

sửa bản in

VI HY

One thought on “Tân Hiệp Thơ 3”

Leave a Reply

Your email address will not be published.